"Ở mỗi thời kỳ, mỗi dân tộc sẽ phải cam chịu hay có một số phận xứng đáng với sự lựa chọn và cách sống của họ.'
Ngô Thế Vinh
Chuyện nhậu nhẹt.
Báo Người Việt online ngày 17 tháng 9 năm 2009 cho biết “trung bình mỗi người uống 22 lít bia mỗi năm”. Hôm thứ ba ngày 15 tháng 09 năm 2009, ông Nguyễn văn Hùng Phó Chủ tịch “Hiệp Hội kỹ nghệ Bia, Rượu, nước giải khát” ở Việt nam cho biết: “Lợi tức đầu người Việt nam trung bình chỉ bằng một phần tư so với Thái Lan nhưng người Việt lại uống bia rất nhiều và xếp hạng nhì trong số 10 quốc gia Đông Nam Á. Đây chỉ nói riêng về hai tỉ lít bia sản xuất ở Việt nam chưa tính tới các loại rượu mạnh, rượu nếp và rượu nhập cảng”.
Theo bản tường trình của tổ chức theo dõi hoạt động kinh doanh quốc tế (Business Monitor International Ltd) cho quí đầu năm nay (2010) số lượng rượu bia bán ở Việt nam là loại kinh doanh chủ lực của kỹ nghệ thức uống chiếm đến 97.9 % thị phần các loại thức uống có chất cồn trong năm 2008. Nguồn:
Trong bài “Văn hóa cạn chén” của tác giả Trần văn Giang đăng trên Việt báo. Tác giả viết: “Lần đầu về thăm Việt nam sau ba mươi năm, khi tiếp xúc với thân nhân, bạn bè người nào cũng than vãn cuộc sống quá khó khăn, làm không đủ sống, gạo châu củi quế, nhưng tôi lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy từ thành phố lớn cho đến thôn quê, từ đường phố lớn đông người chen chút cho đến ngoại ô xa xôi, vắng vẻ, từ nhà hàng sang trọng máy lạnh cho đến quán cóc xiêu vẹo, lôi thôi, nhếch nhác vỉa hè khi chiều tối lên đèn là đầy nghẹt khách nhậu”.
“Cạn chén, cạn ly, ăn nhậu, hủ chìm, hủ nổi đó là chuyện bình thường ở Việt nam. Cán bộ có nhiều tiền nhàn rỗi không sợ mất việc nhậu đã đành. Anh thợ hồ cũng nhậu, anh xe ôm cũng nhậu. Có bằng đại học hay công nhân tép riêu cũng nhậu. Đàn ông nhậu, đàn bà nhậu, con nít cũng nhậu ké. Ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp, hội họp, khai trương đều phải có nhậu…cứ nhậu trước đã rồi tính sau.”
Theo bộ Y Tế mỗi năm tiêu thụ khoảng 350 lít rượu trong số đó rượu nấu thủ công là 90%. Rượu làm cho đau gan, đau phổi, đau bao tử. Ung thư gan vì uống quá nhiều rượu. Uống rượu bằng chén ăn cơm thay vì uống bằng ly nhỏ để mau say. Đứt mạch máu não, bị bịnh tim vì uống quá nhiều rượu. Chạy xe gây tai nạn thương tật suốt đời hay gây chết người cũng vì rượu. Gây gỗ chém giết lẫn nhau trong gia đình hay làng xóm cũng vì rượu.Tương lai mờ mịt nhưng ngày nào cũng nhậu, lúc nào cũng nhậu được với mọi thứ rượu hết bia tới rượu đế, rượu ngâm sâm nhung tắc kè, bìm bịp v.v..
Sau ngày 30-04-1975 để tiến lên xã hội chủ nghĩa, mấy trận đánh tư sản và hợp tác hóa nông nghiệp, đã làm cho dân chúng nghèo khổ, khốn đốn và nền kinh tế Việt nam hoàn toàn kiệt quệ. Cái gì cũng thiếu hụt. Bia, rượu và nước giải khát càng thiếu hụt hơn nữa. Mãi đến năm 1985, các tổ hợp (thường do cán bộ thành lập) sản xuất chui loại rượu bia “lên cơn” cùi thơm cho lên men rồi vô gas đem bán cộng với “rượu 36”, rượu nhẹ có gas “Chương Dương” do nhà máy bia Chương Dương ở bến Hàm tử sản xuất, loại rượu cồn công nghiệp, uống vào nhức đầu như búa bổ hai ngày sau vẫn chưa hết. Uống thứ rượu đó làm sao mà người mình còn tỉnh táo, sáng suốt làm việc được. Tác hại của rượu đối với thế hệ con cháu sau này như thế nào ai cũng biết. Cho đến bây giờ (2011) vẫn vậy. Chiều tối chỗ nào có mặt tiền, bán được là thành quán rượu. Có một con đường có khoảng 30 căn nhà mà khoảng 8 nhà đã là quán xá bán rượu, bán bia.
Trong bài “Vài nét chấm phá của Sài Gòn ăn nhậu!” Nguyễn Đạt của báo Người Việt viết như sau: “Các quán “cà phê sân vườn” ngày một nhiều, quán thiết kế đẹp, sân vườn trang trí nên thơ, đều có điểm tâm buổi sáng, cơm trưa và nhậu lai rai … tới nhậu tràn bờ. Đặc biệt các nhà hàng lớn nhỏ, quán nhậu bình dân lẹp xẹp kề sát nhau trải dài hai bên bờ kinh Nhiêu Lộc -Thị Nghè. Phía bờ kinh thuộc phường Tân Định - quận 1 - (cuối đường Trần Nhật Duật) có quán Tí Gậu là một trong số những quán nhậu mở cửa thâu đêm…
Quán trong khuôn viên Dinh Độc Lập cũ (nay là Dinh Thống Nhất) cửa vào ở đường Huyền Trân Công Chúa dù chế biến thức ăn dỡ, tiếp khách “cứ vô tư chờ đợi” nhưng vẫn đông người tới. Quán nhậu mang tên quán Nghệ sĩ ở số 81 Trần Quốc Thảo (Trương Minh Giảng cũ) quận 3, quán mở từ 10 giờ sáng cho đến hơn 10 giờ đêm. Quán nhậu Đất Phương Nam ở đường Huỳnh Tịnh Của, Tân Định Quận 1 đặc biệt có những món ăn đặc sản Huế…”. Nguồn:
“Thống kê cho thấy lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt nam bình quân đầu người thuộc vào hạng cao nhất thế giới” (Trích bài Tết Sài gòn chỗ nào cũng nhậu. của Trần Tiến Dũng, báo Người Việt ngày 17- 02-2010). Nguồn:
Báo Người Việt ngày 24 tháng 05 năm 2011 đã cho biết:
“Chỉ mới 4 tháng đầu năm 2011, người Việt nam đã tiêu thụ khoảng 715 triệu lít bia, tăng gần 10% so với cùng thời gian năm 2010. Sản lượng bia của ngoại quốc nhập cảng vào Việt nam cũng tăng 50% phần lớn từ Bỉ, Ðức và Hòa Lan”
Một người đang “nâng ly” tại một quán bia ở Hà Nội. Không lâu nữa, Việt |
Theo kết quả xếp hạng năm 2010 của Michel de Carvalho, tổng giám đốc bia Heineken, tửu lượng của người Việt Nam chiếm hạng 3 thế giới, chỉ sau Pháp và Mỹ.
Ông Michel de Carvalho cũng cho rằng Việt Nam sẽ “vọt” lên hàng thứ hai vào năm 2012, và 3 năm sau đó nữa sẽ... dẫn đầu danh sách “bợm” của thế giới với 170 thị trường.
Ông này nói: “Tốc độ tiêu thụ bia tại Việt Nam chỉ thấy tăng chứ không bao giờ giảm, bất kể tình hình kinh tế khó khăn cỡ nào.”
Hiện nay, theo báo Tuổi Trẻ, Việt Nam có khoảng 350 nhà máy bia lớn nhỏ, trong đó có 20 nhà máy có “công suất cực mạnh,” tới 20 triệu lít bia mỗi năm. Nhiều công ty đua nhau mở nhà máy hoạt động không ngừng nghỉ.
Riêng Sabeco trong tháng 3 năm nay đã khai trương 3 nhà máy bia tại tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Hà Nam với số vốn xây dựng 2,000 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ Mỹ kim. Trước đó, tháng 2 năm 2011, Sabeco đã khởi công xây dựng nhà máy bia tại Hà Tĩnh với công suất 50 triệu lít bia/năm. “Ðại” công ty này cũng đang rục rịch mở nhà máy tại Củ Chi, Vĩnh Long, Ninh Thuận nội trong 1-2 năm tới đây.
Trong khi đó, tổng giám đốc nhà máy VBL sản xuất bia Heineken nổi tiếng của Hòa Lan, Michel de Carvalho, xác nhận rằng Việt Nam sẽ là thị trường tiêu thụ Heineken hàng đầu thế giới vào năm 2015. VBL cũng cho hay sẽ bỏ ra 68 triệu đô để nâng công suất hoạt động của nhà máy tại quận 12 lên gấp 2 lần hiện nay, từ 280 triệu lên 420 triệu lít/năm nội trong năm tới.
Báo Ngày Nay số 583 ngày 01 tháng 11 năm 2006 trong bài: “Phụ nữ miền Tây nhậu”: Bốn chị “cưa” 5 lít. (Theo Huỳnh Phước Lợi, báo Sài gòn Giải phóng). “Các chị có chồng, chưa chồng, góa chồng…đều nhậu, nhiều em 17-18 tuổi đã là tay nhậu cứng cựa, có bà bước qua hàng 50, 60 trước đây chưa hề nếm miếng rượu, miếng trà, nay cũng tập tành “dzô” 100%. Từ thị xã Sóc Trăng, chúng tôi ngược quốc lộ 1A về cầu Phụng Hiệp rồi vào xã Ba Trinh, Huyện Kế Sách. Đây là vùng xã sâu heo hút, không có chợ, đi lại khó khăn, dân cư phân tán. Dừng xe ở ấp 7 anh bạn đưa tôi ghé nhà người quen là dì P.T.N. 53 tuổi. Tác giả viết: “Thông thường nhà nào có tiệc thì năm bảy gia đình bên cạnh đều được mời đến chung vui. Cái “gu” nông thôn là rượu đế. Giá cực rẽ 3.000đ đến 4.000đ một lít (năm 2006). Dì N. mở màn 100% lần lượt xoay vòng mỗi người một ly, kèm theo một qui định,”không kê táng, không khạc nhổ” ai vi phạm phạt một ly!. Mới ba vòng (mỗi người chưa được một xị) tôi đã toát mồ hôi mặt đỏ bừng; trong khi các bà các chị thì tỉnh queo cười nói. Uống thêm một lát thì năm lít hết sạch, đầu tôi nhức như bưng. Còn dì N. lần đi ăn tiệc ở miệt cồn Kế Sách, chín bà “chơi” cả ngày hết sạch chín kết bia khiến cánh đàn ông phục sát đất?. Ở xã Thới An Hội (Huyện Kế Sách, Sóc Trăng) có chị H.T.P. 29 tuổi là tay nhậu cừ khôi…. Hứng chí thì mỗi người một chai 5 xị ai hết mới cho nghỉ. mấy người em gái của P. cũng nhậu sếp sòng. Trong huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) rải rác 18 xã, thị trấn đều có phụ nữ biết uống rượu. Anh Trần Xuân Nghiêm Giám đốc Sở TDTT tỉnh Kiên Giang cho biết thêm: “Đi công tác phong trào ở Gò Quao nhiều em gái nông thôn tuổi 16 đến 23, uống trên một lít rượu là sự thường”. Từ việc say rượu đưa đến thảm cảnh bạo hành trong gia đình là sự thường. Chồng hành hạ vợ, cha đánh đập con …vợ chồng gây gỗ, nợ nần chồng chất v.v..
Mới đây nhận được tin một học trò cũ ra đi lúc 55 tuổi. Tôi có hỏi thăm người chị ruột đang sống ở Hoa Kỳ, vì bịnh gì mà chết sớm như vậy?. Em ấy trả lời như sau:
Kính gởi Thầy,
Tr. thì cũng bịnh giống như T. Uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc nên thân thể ngày càng hao mòn. Đã vậy lại không chịu đi khám bác sĩ và uống thuốc. Khoảng một tháng trước Tết, đã phải nằm liệt gường không thể tự đi lại, mỗi ngày chỉ uống vài muỗng sửa. Phải nhờ người bồng vào bệnh viện chứ nhất định không chịu vào. Khi khám thì bác sĩ bảo là cả phổi và gan đều hư nặng. Lúc nằm ở bệnh viện thì phải thở oxy được khoảng nửa tháng thì mất. Gia đình cũng đã dự liệu trước nên cũng không bị “shock” lắm. …
B. Th.
Đa số người Việt Nam qua Mỹ bỏ rượu và hút thuốc. Vì sao vậy? Vì môi trường sinh hoạt của xã hội Mỹ không cho phép uống rượu sáng xỉn, chiều say đuợc. Hút thuốc lá cũng gặp quá nhiều trở ngại, khó khăn. Cấm hút thuốc trong nhà hàng, trong “building” chỗ làm việc. Trong nhà thì kín mít khi hút, khói thuốc lá không thể bay ra ngoài được. Người hút thuốc và người ngửi hơi thuốc lá đều hại sức khỏe như nhau.Tôi hút thuốc lá từ năm 23 tuổi, khi ra dạy học cho đến khi tôi qua Mỹ năm 1993, lúc 51 tuổi tôi đã bỏ hẳn thuốc lá vì hút thuốc trong nhà không được. Mùa đông nếu hút thuốc phải mặc áo lạnh ra sân mà hút, làm cho tôi cảm thấy trở ngại, khó khăn. Hơn nữa biết rằng hút thuốc sẽ hại phổi nên bỏ hút thuốc luôn cho rồi. Tiền tiết kiệm này có thể giúp đỡ cho thân nhân ở Việt nam. Uống rượu ở xứ Mỹ này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đi làm cả tuần để có tiền lo cho sinh hoạt trả tiền điện, nước, điện thoại, tiền nhà, bảo hiểm nhà, bảo hiểm xe, bão hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ…nếu có nhậu cũng chỉ có thể nhậu được vào tối thứ sáu hay tối thứ bảy mà thôi, còn các ngày khác sáng phải đi làm thành ra đâu có dám nhậu. Do đó tự nhiên bỏ uống rượu. Như vậy nếp sống, môi trường sinh hoạt của xã hội mình sinh sống tạo nên thói quen sống lành mạnh, dĩ nhiên đời sống sẽ sung túc khỏe mạnh và thế hệ con cháu mình cũng được hưởng sự khỏe mạnh và sung túc đó.
Không còn biết xấu hổ.
Gian dối, lường gạt, ở tù vì tham nhũng, vì lường gạt vậy mà sau khi ra tù vẫn nghênh ngang không biết xấu hổ còn hảnh diện khoe khoang sự giàu có vì biết tham nhũng, vì đã lươn lẹo, lường gạt được người khác. Nhà cầm quyền lường gạt dân chúng dùng mọi thủ đoạn dầu xấu xa, đê tiện để đạt mục đích là nắm chính quyền. Cho nên nói dối, nói láo, lường gạt là bản chất của nhà cầm quyền. Sau năm 1975 gọi các viên chức dưới chế độ cũ đi trình diện “học tập cải tạo” trong 10 ngày, một tháng cuối cùng họ bị ở tù 5, 10, 17 năm. Hôm trước nói không đổi tiền hôm sau giới nghiêm đổi tiền. Hảnh diện vì lường gạt được đối phương, qua mặt được dân chúng, do đó làm gì còn có sự xấu hổ trong suy tư của họ. Cho nên dân chúng cũng bằng mọi cách sống dối trá, lường gạt để sống còn. Nhất là thời kỳ từ 1975 đến 1986 nhà nhà đi buôn, người người đi buôn gạo, dấu gạo dưới gầm xe, dấu thịt heo trong bụng giả làm đàn bà chửa để qua mặt quản lý thị trường. Đi buôn để kiếm chút tiền mua gạo, mua bo bo cho gia đình, mua sửa cho con trẻ sơ sinh, mua thuốc tây lậu cho con bị bịnh.
Đặt tiền bạc, giàu sang (dầu do tham nhũng, lường gạt mà có) là thước đo giá trị con người chứ không cần biết phải tử tế, giúp đỡ người khác mới là quý. “Nghèo cho sạch, rách cho thơm “được cho là vớ vẩn. Trong gia đình đa số đặt tiền bạc trên tình nghĩa. Anh chị em ruột thù ghét, thưa gởi nhau, giành giựt lẫn nhau vì nhà cửa, đất đai của cha mẹ để lại.
Xã rác bừa bãi:
Trong bài: “Nỗi xấu hổ mang tên Nội Bài”. Nhà báo Nguyễn Quang Thiều ghi nhận về văn hóa sống của người Việt nam như sau: “Đêm 29 tháng mười hai tôi đến sân bay quốc tế Nội Bài đón mấy người bạn quốc tế vào dự hội nghị quảng bá văn học Việt nam ra thế giới… Đêm đó, giữa những phương tiện vật chất hiện đại và đắc tiền như xe hơi, thang máy, ghế ngồi, hệ thống điều hòa không khí, sự trang bị của các nhân viên hàng không, cùng với thời trang của những người Việt nam có mặt ở đó lại là một hành động thiếu văn hóa trầm trọng. Trên nền nhà bóng như gương la liệt vỏ hạt hướng dương, vỏ cam vỏ quýt và giấy gói bánh, kẹo. Và trên những dãy ghế là một số công dân Việt nam ăn mặc đẹp mang đồ trang sức đắc tiền, dùng điện thoại di động đời mới đắt tiền, vứt những thứ rác kia xuống sàn. Họ là những bà, những cô và cả những cháu gái nữa. Nghĩa là đủ các thế hệ của xã hội Việt nam với một nền kinh tế phát triển nhưng lại làm một điều không văn minh và thiếu văn hóa. Hầu hết những người nước ngoài đi qua nhìn họ một cách ngạc nhiên…Nơi họ ngang nhiên xã rác là phòng đợi sân bay quốc tế tại thủ đô của đất nước.”
Ở nước Mỹ, đứa trẻ vào trường tiểu học đã học cần bỏ rác vào thùng rác. Cho nên các cháu có thói quen luôn bỏ rác vào thùng rác, không bao giờ vất rác bừa bãi. Thùng rác đâu đâu cũng có. Nếu vất rác ngoài đường sẽ bị phạt. Để có được ý thức của người công dân đối với cộng đồng đâu phải dễ, cần phải giáo dục công dân từ nhỏ. Người lớn nhất là người cầm quyền cần tạo điều kiện để người dân thực hiện bổn phận và hưởng quyền lợi của người công dân. Người lảnh đạo cần có nếp sống gương mẫu, và cũng phải có đủ thùng rác để cho người ta bỏ vào nữa chứ. Nguồn:
Huỳnh Thục Vy viết về sông Bàn Thạch như sau: “Giờ đây trước mặt tôi là dòng sông chết, nước sông đen ngòm, hôi thối và đặc quánh. Dòng sông cạn vì rác mà người dân chung quanh đỗ xuống, rác nhiều đến nỗi làm nghẽn cả dòng, còn đôi bờ thì dần thu hẹp lại”. Không chỉ sông Bàn Thạch mà còn nhiều con sông khác ở Hà nội, ở Cà Mau hiện nay đều ngập rác. Ai chịu trách nhiệm về tình trạng đổ rác bừa bãi như thế ? ” Mời đọc: Chuyện từ làng Sher đến thôn Bàn Thạch của Tưởng Năng Tiến trên RFA.
Báo Tuổi Trẻ ngày 24-2-2010 cho biết:
Rác tết làm ô nhiễm sông ở Hà Nội:
Hiện nay, nhiều con sông ở Hà Nội đã bị biến thành sông rác. Rất nhiều loại phế thải từ dịp tết, từ những cành đào, quất chưng xong sau tết bỏ đi đến lá gói bánh chưng, vỏ hộp mứt kẹo, chiếu rách, bàn thờ cũ... được tập trung vứt xuống sông.
Trên sông Tô Lịch, rác thải nổi lềnh bềnh chiếm gần hết dòng chảy. Nhiều miệng cống thoát nước bị các túi rác thải ùn ứ lại thành từng đống bốc mùi khó chịu. Rất thải cũng dồn đầy ở đoạn sông Nhuệ ngay chân cầu Tó.
Theo bà Chu Thị Hiền - nhân viên Xí nghiệp thoát nước số 1 Hà Nội, làm vệ sinh môi trường trên sông Tô Lịch: “Sau tết đến nay, mỗi ngày chúng tôi phải vớt cả chục thuyền rác nhưng chỉ sáng hôm sau rác lại ngập lòng sông”.
Bà Hiền cho biết thêm nhiều chủ hàng bán đào rừng dọc đường Láng trước khi nghỉ tết đã lén quẳng xuống sông Tô Lịch những cành đào không bán được nhằm tránh mất thêm tiền thuê xe chở ra bãi rác.
Cũng báo Tuổi Trẻ ngày 04-03-2010 :
Nhiều sông ở Cà Mau ngập rác.
Trái ngược với những tấm panô “dòng sông không rác” được dựng nhiều nơi ở Cà Mau, nhiều dòng sông của tỉnh này đầy rác thải và ô nhiễm nghiêm trọng.
Sông Cà Mau được giới thiệu là “dòng sông không rác” nhưng đầy rác thải và ô nhiễm nặng - Ảnh: Duy Khang |
Hằng ngày, tại chợ nông sản Cà Mau nơi thuyền ghe tấp nập lên hàng, rất nhiều người mua bán các loại nông sản, hàng hóa cứ vô tư tống thẳng đủ loại phế phẩm, rác rưởi xuống sông. Dọc hai bên bờ sông hiện có gần 500 hộ dân sinh sống, rất nhiều gia đình thường xuyên xả rác sinh hoạt, nước thải xuống sông.
Đứng trên cầu quay giữa trung tâm TP Cà Mau nhìn xuống dòng sông thơ mộng nằm vắt ngang đô thị mới vùng cuối đất, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Anh Trần Kỳ Công (ở P.7, TP Cà Mau) bức xúc: “Chưa bao giờ sông rạch vùng này tràn ngập rác như hiện nay. Cứ 1-2 tuần là máy đuôi tôm của tôi bị gãy chân vịt vì chém phải vỏ dừa hoặc quấn đầy bọc nilông”. Nhiều ghe tàu khác cũng bị chết máy vì rác như trường hợp vừa nêu.
Tuyến kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu xuôi về hướng Tân Thành (P.6, TP Cà Mau) cũng đầy rác. Rất nhiều tàu qua lại đã rẽ nước đẩy đủ loại rác (bọc nilông, thùng xốp, phế phẩm nông sản...) tấp vào dày đặc mé kênh hai bên.
Phía sau dãy nhà sầm uất ở chợ Tắc Vân (TP Cà Mau), rác cũng dày đặc dưới các trụ nhà sàn. Kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu đã trở thành túi rác hứng đủ mọi phế phẩm từ hệ thống nhà vệ sinh và rác thải sinh hoạt hằng ngày của người dân đổ xuống. Còn ở thị trấn Thới Bình (huyện Thới Bình), mỗi ngày có hàng tấn rác thải của người dân ở dọc ngã ba Tắc Thủ đến thị trấn Trần Văn Thời xả xuống sông Ông Đốc.
Đánh bạc, Xổ đề, Xổ số.
Trước năm 1975 miền Nam chỉ có xổ số kiến thiết quốc gia một tuần một lần. Hiện nay ngày nào cũng có xổ số có khi hai, ba lần xổ số trong một ngày. Tỉnh nào cũng mở xổ số. Số người tham gia chơi đề khắp nơi. Tiền lương vừa lảnh ra chưa đủ trả nợ nhiều khi mua số đề hết trơn. Cuối cùng nghèo khó nợ nần. Càng nghèo lại càng ham mua vé số và đánh đề. Người dân Sài gòn ngày nay ai có máu mê cờ bạc chỉ lên xe chạy một mạch qua biên giới Campuchia mặc sức đánh bài.
Cám ơn, Xin lỗi.
Người mình bây giờ quên mất hai chữ xin lỗi và cám ơn. Nếu lỡ đạp vào chân người khác thay vì nói xin lỗi, lại quay quắt, giận dữ “muốn gây gỗ, muốn dùng võ lực đánh nhau với người ta rồi”. Chữ cám ơn cũng đã vắng bóng từ lâu ở người Việt nam. Người Mỹ và người nhập cư vào Mỹ, sống ở Mỹ một thời gian, tự nhiên hai chữ cám ơn và xin lỗi như nhập vào máu. Người ta đi bộ vượt qua mình họ cũng xin lỗi. Cô hầu bàn đem thức ăn lại để trên bàn tự nhiên mình nói hai tiếng “cám ơn”. Cám ơn và xin lỗi là thói quen thường xuyên của người dân sống ở nước Mỹ. Mời xem thêm:
Thói quen vô trật tư.
Chạy xe ngoài đường vô trật tự muốn bóp còi là tự động bóp còi inh ỏi, bất chấp gây phiền hà, giật mình, gây lo sợ cho người khác. Đèn xanh, đèn đỏ chẳng có giá trị gì, muốn quẹo phải hay quẹo trái là cứ quẹo nên rất dễ gây tai nạn. Chạy giành đường, lấn đường là thường xuyên. Một lần tôi đi xe đò từ Bà rịa về Sài gòn mà tôi cứ phải đứng lên thấp thỏm nhiều lần coi anh tài xế lái xe ra sao mà lách qua, lách lại nhiều lần quá, tôi sợ muốn đứng tim luôn. Một lần về Việt Nam tôi đi xe Honda với cháu tôi gặp đèn đỏ Phạm thế Hiển, Âu Dương Lân cháu tôi chạy luôn. Tôi hỏi: “Ủa sao đèn đỏ mà chạy”. Cháu tôi nói: “Đèn đỏ không chạy phía sau họ bóp còi”. Một lần xuống dốc cầu dĩ nhiên cấm quẹo trái, cháu tôi vẫn quẹo trái. Tôi hỏi: “Sao quẹo trái kỳ vậy?”. Cháu tôi nói: “Ai cũng làm như vậy” (có nghĩa ai cũng không tuân theo luật đi đường mắc mớ gì mình phải tuân theo chứ).
Ở Mỹ gặp đèn đỏ hay bảng “Stop” tự nhiên đạp thắng, đậu lại mặc dầu không thấy viên cảnh sát nào cả. Đó là phản xạ tự nhiên vì biết rằng nếu chạy vượt đèn đỏ hay không đậu bảng “Stop” sẽ bị phạt rất nặng, bảo hiểm sẽ tăng giá, nhất là sợ “accident” nguy hiểm đến tính mạng.
Bảy ngày Tết năm Canh Dần, hơn 400 vụ tai nạn giao thông, gần 300 người chết và hơn 400 người bị thương. Báo “Người Việt” ngày 19 tháng 02 năm 2010.
Theo tin đài SBTN ngày 25 tháng 10 năm 2011: Tai nạn giết chết 34,000 người mỗi năm. Có khoảng 900,000 vụ tai nạn. Đứng đầu là tai nạn giao thông chiếm gần 45%, trung bình trên 15,000 người tử vong mỗi năm. Đó là số liệu mới nhất về tình trạng tai nạn ở Việt Nam được Thứ trưởng Bộ y tế Cộng sản Việt Nam công bố tại Hội nghị Khoa học toàn quốc lần thứ 2 về phòng chống tai nạn thương tích, do Bộ Y tế tổ chức với sự phối hợp của Tổ chức Y tế Thế giới, WHO và Quĩ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF.
Kết: Trước năm 1975 Sài gòn là “Hòn ngọc viễn đông”. So với các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Đại Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai miền Nam Việt nam dầu có chiến tranh vẫn phồn thịnh hơn các nước đó rất nhiều. Bây giờ sau hơn 36 năm, tình trạng sinh hoạt, mức sống so với Đại Hàn, Singapore thua quá xa, ngay cả Thái Lan mình cũng thua về mọi mặt. Tại sao? Nước Nhật thua trận thế chiến năm 1945, sau hai mươi năm họ sản xuất xe Honda bán khắp Đông Nam Á và trở thành cường quốc. Còn đất nước Việt nam chúng ta thì sao?
Phùng văn Phụng
Ngày 6 tháng 03 năm 2010
Sửa lần hai ngày 25 Nov 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét